Dưới thời Lã Quang trị vì Lã_Toản

Lã Toản được mô tả là ưa thích các bài tập về bắn cung, cưỡi ngựa, và săn bắn khi ông còn trẻ, khi còn là một tu sinh tại kinh thành Trường An của Tiền Tần trong thời gian Phù Kiên trị vì, ông đã không hiếu học. Khi Tiền Tần sụp đổ bởi nhiều cuộc nổi loạn vào các năm 384 và 385, Lã Toản ban đầu chạy trốn đến Thượng Khuê (上邽, nay thuộc Thiên Thủy, Cam Túc), và sau đó đến Cô Tang (姑臧, nay thuộc Vũ Uy, Cam Túc), nơi cha của ông đã lập nên nước Hậu Lương và định đô.

Năm 392, Lã Toản là một trong các tướng của cha trong chiến dịch chống lại vua Khất Phục Càn Quy của nước Tây Tần, Lã Toản đã không thành công trong cuộc tấn công Khất Phục Càn Quy của mình. Năm 397, Lã Quang, khi này đã xưng đế, đã cử con trai Lã Toản (lúc đó là Thái Nguyên công) cùng với em trai Lã Diên (呂延) đi đánh Khất Phục Càn Quy do người này trước đó đã chấp thuận trở thành chư hầu song sau lại thay đổi. Ban đầu, Lã Toản đã chiến thắng và chiếm được Kim Thành (金城, nay thuộc Lan Châu, Cam Túc), song sau khi thúc phụ bị đánh bại và bị giết khi rơi vào bẫy của Khất Phục Càn Quy, Lã Toản đã buộc phải rút lui.

Trong suốt thời gian trị vì còn lại của Lã Quang, Lã Toản trở thành một tướng lĩnh được cha trông cậy vào nhiều nhất. Năm 397, khi tướng Hung NôThư Cừ Mông Tốn nổi loạn, Lã Quang đã cử Lã Toản đi đánh dẹp, Lã Toản ban đầu giành được thắng lợi trước Thư Cừ Mông Tốn và buộc ông ta phải chạy trốn. Tuy nhiên, sau khi một người anh em họ của Thư Cừ Mông Tốn tên là Thư Cừ Nam Thành (沮渠男成) thuyết phục viên quan Đoàn Nghiệp tham gia cùng mình và lập nên nước Bắc Lương, Lã Quang đã phải đối mặt với một cuộc nổi loạn nghiêm trọng ở chính kinh thành Cô Tang của tướng Dương Quỹ (楊軌) và pháp sư Quách Nôn (郭黁). Lã Toản trong lúc này đang bao vây kinh thành Kiến Khang (建康, nay thuộc Trương Dịch, Cam Túc), đã buộc phải rút quan để đánh Dương Quỹ và Quách Nôn, điều này đã cho phép đất nước non trẻ của Đoàn Nghiệp tiếp tục tồn tại. Năm 398, Lã Toản và em trai là Lã Hoằng (呂弘) hội quân và đánh bại Dương và Quách, buộc họ phải đến đầu hàng Nam Lương và Tây Tần, tương ứng.

Năm 399, Lã Toản cùng với em trai là Lã Thiệu (thái tử của Lã Quang), tiến đánh Bắc Lương, họ giành được thắng lợi ban đầu song sau khi vua Thốc Phát Ô Cô của Nam Lương cử Dương Quỹ và Thốc Phát Lợi Lộc Cô đến viện trợ cho Bắc Lương, Lã Toản và Lã Thiệu buộc phải lui quân.